Chuyên trang dành cho con trai
Bài mới cập nhật
Loading...
Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

Chuyện rùng mình về rắn thần báo oán ở Thái Nguyên

 Sự tồn tại của rắn thần trong ngôi đền Long Khánh Từ thuộc xã Kỳ Phú, Đại Từ, Thái Nguyên vơi những lời đồn ma quái, chết chóc nếu có người dám cả gan mạo phạm đến thánh thần làm người nghe rùng mình.

Bị trừng phạt vì coi thường thần linh

Cận cảnh trong ngôi đền thờ thần rắn
Câu chuyện ông Lê Văn Thử – thủ từ của ngôi đền Long Khánh Từ – và nhiều người dân trong vùng gặp được hai thần rắn xuất hiện trong ngôi đền càng trở nên kỳ bí hơn khi vào cuối những năm 1968, tại khu vực xã Kỳ Phú xuất hiện một trận hạn hán kéo dài khiến cho ruộng đồng khô hạn, nứt nẻ, không thể trồng cấy được bất cứ cây gì, người dân trong vùng cũng không có nước mà uống.
Bí quá, người dân chẳng biết than ai đành tụ họp nhau lại mua lễ đến đền Long Khánh Từ cầu các thần linh ban mưa thuận gió hòa để người dân được trồng cấy. Sau khi khấn vái thần rắn xong, người dân xã Kỳ Phú mới ra trước cửa đền cùng té nước, tạo mưa giả, sau đó vào ngôi đền nhỏ gần đó thắp hương cầu khấn.
Ngay đêm hôm đó, trời nổi gió và mưa to kéo đến. Kể từ đó, người dân thường xuyên mang lễ vật đến đền Long Khánh Từ thắp hương. Sau này, đền được mọi người tu sửa khang trang. Cứ khi nào gặp hạn hán, người dân cả vùng lại kéo nhau vào đây té nước cầu mưa.
Không dừng lại ở đó, từ sau khi ông Thử diện kiến rắn thần lần đầu tiên vào năm 1968, đã có hàng loạt những hiện tượng lạ xảy ra xung quanh ngôi đền khiến cho mọi người khiếp sợ.
Theo lời ông Thử, vào năm 1970, con ông Mã Điền ở xóm Chuối đi chăn trâu đến gần ngôi đền không có cửa, thấy bên trong có hoa quả người dân đem đến thờ cúng nên đã cả gan vào trộm. Đến tối khi về nhà, đứa bé này bỗng dưng đau bụng dữ dội, tới đêm thì qua đời mà không ai rõ lý do.
Chỉ đến khi sự việc xảy ra gần được 1 tháng, những đứa trẻ trong vùng mới kể cho mọi người nghe về sự việc thì người nhà ông Mã Điền mới ngã ngửa, đem hương hoa lên đền Long Khánh Từ để cầu khấn, mong thần linh phù hộ cho linh hồn đứa con tội lỗi sớm được siêu thoát và thần không giáng tội xuống cả gia đình.
Ông Thử cũng kể thêm câu chuyện về người từng phạm đến đền thiêng và phải chịu tội: “Ở ngôi đền cũ có cây đa rất to, đến khi phải ngả đi thì cây có tuổi thọ là 52 năm, ngoài ra còn có hai cây lựu cao khoảng 18 mét. Năm đó có một người đàn ông tên Thức làm bên thủy lợi, không hiểu vì lý do gì đã chặt cho hai cây lựu đổ về phía đền. Lạ thay, khi cây lựu ngã đổ thì một cơn gió thổi mạnh đẩy cây rạp ra phía bờ suối”.
“Người đàn ông đó sau khi về nhà mấy ngày thì tự tay treo cổ hai người con trai, bản thân ông ta ngay tối hôm đó cũng uống thốc sâu tự tử. Bao năm qua, người dân nơi đây vẫn còn nhớ câu chuyện này”.
Đến khi đền Long Khánh Từ được chuyển về khu đất ở nhà ông Lê Văn Thử, tất cả các bát hương cũ ở đền có từ thế kỉ 17 cũng được chuyển về đây. Vào một đêm năm 1998, người đàn ông trong làng do bí tiền quá đã đến ngôi đền này lấy trộm bát hương chính đem bán. Ông Thử biết việc đó nhưng vẫn giữ im lặng vì nghĩ rằng thần linh sẽ tìm ra người này.
Quả nhiên, hai hôm sau khi đền Long Khánh Từ mất bát hương thì một người đàn ông trong vùng bỗng nhiên lăn đùng ra ốm. Gia đình mang đi khắp các bệnh viện lớn nhỏ để chữa trị nhưng không tìm ra bệnh. Trong khi đó, người đàn ông này lúc tỉnh lúc mê, nhiều khi còn nói năng nhảm nhí, xưng mình là thánh thần giáng trần.
Lúc này, ông Thử mới đến gia đình nói rõ sự tình và khuyên người đàn ông đó thú nhận rồi đem trả bát hương. “Hôm sau, gia đình họ mang bát hương đến ngôi đền đặt lại đúng vị trí cũ rồi mượn thầy về cúng suốt ba ngày ba đêm ở ngôi đền thì anh ta mới hết bệnh”, ông Thử cho biết.
Vào năm 1997, khi chính quyền trong vùng bắt đầu khởi công xây dựng hồ chứa nước Vai Miếu, đã có một đám công nhân đến đây dựng lán ở suốt một thời gian dài để xây dựng công trình. Theo những câu chuyện được truyền miệng, khi đám công nhân tiến hành dỡ bở đền Long Khánh Từ thì đôi rắn thần bất ngờ bò ra. Có một số công nhân thấy thế liền vác cuốc xẻng đuổi bắt nhưng không được.
Đến tối, khi đám công nhân này đã tắm rửa và bắt đầu nghỉ ngơi, kết thúc một ngày làm việc vất vả thì bất ngờ ngôi lán bị sập khiến một công nhân tử vong. Điều làm mọi người kinh hãi là nạn nhân chính là người đầu tiên phát hiện ra đôi rắn và cố đuổi bắt nhưng không được. Từ đó, đám công nhân sợ quá phải nghỉ làm mấy ngày liền. Có người đã phát ốm, không dám làm ở công trình hồ Vai Miếu nữa mà xin nghỉ việc.
Nỗi sợ hãi về việc bị rắn thần trừng phạt vì phạm phải đất thiêng tiếp tục được nối dài khi vào năm 2002, một thanh niên tên Thắng ở xóm Gió, xã Kỳ Phú đến hồ Vai Miếu tắm lúc trưa nhưng rồi cũng không thấy về. Người thân và bà con hàng xóm cũng đi tìm xác nạn nhân nhưng không thấy. Sau 3 ngày, dân làng thấy xác nạn nhân nổi lên ở vị trí chính giữa chân đập hồ.
Tiếp đến, năm 2005, một người đàn bà tên Tình (xóm Dứa, xã Kỳ Phú) lội qua suối để sang bờ bên kia đi bộ về nhà, đi đến giữa suối thì bất ngờ nước từ trong nguồn ào ra cuốn trôi bà ra hồ. Bà con nhân dân trong xóm phải thắp đóm đi tìm khắp các ghềnh đá ven hồ. Mọi nỗ lực tìm kiếm tưởng chừng như vô vọng thì may sao một thanh niên trong xóm lặn xuống, đã thấy xác bà mắc ở một gốc cây khô dưới lòng hồ – nơi ấy chính là nền móng của ngôi đền Long Khánh Từ trước đây.
Sự thật về thần rắn trong ngôi đền
Đền Long Khánh Từ, thuộc xã Kỳ Phú, huyện Đại Từ, Thái Nguyên
Để biết thực hư về những lời đồn thổi, chúng tôi đã đến gặp người đại diện chính quyền địa phương. Trao đổi với phóng viên, ông Lỗ Văn Đường, Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Phú, cho biết: chuyện rắn xuất hiện trong đền là do người trông coi đã chứng kiến. Chuyện những người dân trong vùng truyền tai nhau về thần rắn ở Long Khánh Từ là có thật, còn chuyện có phải rắn thần không thì không phải vì nhiều khi tình cờ rắn bò vào đền.
Ông Đường lý giải thêm về những lời đồn ma mị thần thánh bắt người mỗi năm ở hồ Vai Miếu: “Chuyện thần thánh bắt người ở hồ Vai Miếu mỗi năm là hoàn hoàn không có thật. Chuyện người thanh niên tên Thắng chết đuối năm 2002 ở hồ là do anh này bị mắc bệnh tâm thần, đến hồ tắm nhưng do không biết bơi nên bị ngã xuống hồ chết đuối. Trường hợp của bà Tình ở xóm Dứa chết ở hồ là do khi đi hái chè trong núi về, thời gian đó trời hay mưa, nước lũ từ đầu nguồn đổ ra bất ngờ nên bà Tình bị nước cuốn đi”.
Giáo sư Mai Đình Yên – chuyên gia đầu ngành về động vật học của Việt Nam – cho biết: ở nước ta có 3 loài rắn lục hình dáng bên ngoài có thể giống và có thể nói nôm na là “rắn có mào” là: rắn lục mũi hếch, rắn lục sừng và rắn lục voi. Ba loại rắn này phân bố ở Lào Cai (Sa Pa), Lạng Sơn (Mẫu Sơn) và Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Nhiều khả năng loài rắn này có ở Hà Nội, Hưng Yên.
Giáo sư Yên khẳng định: “Những loài rắn này cực độc, nọc nguy hiểm cho người. Loài rắn này có giá trị nghiên cứu khoa học, số lượng còn rất ít đã được ghi vào sách đỏ, mức độ đe dọa tuyệt chủng loại E. Bởi vậy rất ít người nhìn thấy nó trong tự nhiên. Những loài rắn độc kể trên có hình dạng kỳ quái, đầu rắn có vết sừng nhô cao, hay cái mũi hếch cao lên như cái mào khiến người nhìn vào thấy cảm giác lạnh hết cả người vì sợ”.
“Ba loài kể trên đều cực độc, ánh mắt nhìn tập trung của con rắn có khả năng thôi miên, nó làm cho con mồi bị nhũn ra, không còn khả năng kháng cự. Ngay với con người, khi gặp cái nhìn tập trung của loài rắn này cũng có thể bị ngất. Khi gặp rắn lạ, hiếm mà sợ quá bị ngất xỉu thì họ tưởng tượng ra sự thần thánh là điều dễ hiểu”.
Cũng theo giáo sư Mai Đình Yên, những loài rắn cực độc này thích chui vào trong đền, miếu, hốc cây cổ thụ, nơi yên tĩnh để trú ẩn. Đó là đặc tính sinh học của loài rắn, loài ăn thịt nên chui vào đền, miếu vừa để ẩn mình vừa để bắt chuột. Những loài rắn độc sống ở những nơi linh thiêng không phải chuyện lạ.
Nhưng với những người đến cầu khấn ở nơi linh thiêng đền, miếu thường đang có trắc ẩn về tâm linh, họ muốn thỉnh cầu một điều gì đó ở thần linh. Tình cờ họ nhìn thấy một trong số những loài rắn độc có hình thù kì quái thì sẽ nghĩ là “ngài” hiển linh. Họ sẽ tưởng tượng ra nhiều điều kỳ quái mang tính chất tâm linh.
Còn loài rắn mà theo của những lời đồn đại về rắn thần là có lớp vảy ngũ sắc, có màu đỏ như mào gà, đa phần là sự tưởng tượng… thần hồn nát thần tính, sợ bóng sợ gió. Giáo Sư Yên nói: “Trên internet có lưu truyền một bức ảnh con rắn màu xám vàng, có cái màu đỏ chót trên đầu như mào gà nhiều khả năng là sản phẩn của công nghệ chỉnh sửa ảnh. Nếu người dân đã từng chứng kiến một con rắn có mào ở miền Bắc nước ta thì rất có thể đó là loài rắn lục voi, có tên quốc tế là Viperdae”.
Còn tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội, thuộc Viện Xã hội học, cho biết: “Đó là chuyện đồn thổi, người ta cố tình dựng lên để đẩy sự tập trung của mọi người vào sự tín ngưỡng nào đấy, hoặc chỉ đơn giản tạo ra sự hấp dẫn, bịa đặt như thật của một câu chuyện hoang đường”.
“Gần đây nhất là những tin đồn thổi xung quanh việc rắn thần có mào nhập vào một người ở xã Uy Nỗ, Đông Anh, Hà Nội vào cuối năm 2010 đã làm xôn xao dư luận nhưng thực chất đã được các nhà khoa học chứng minh đấy chỉ là những tin đồn hoang tưởng và đánh vào tâm lý mê tín, hiếu kỳ, muốn tìm hiểu những sự vật, hiện tượng lạ trong xã hội mà có sức lan tỏa nhanh chóng. Đó là ý đồ của người tạo dựng câu chuyện gắn với một loài vật không có thật là rắn thần”.
“Còn trong tín ngưỡng dân gian, nhiều nơi có miếu thờ tử xà, mãng xà lại là chuyện khác. Nhưng tục thờ thần thánh là tập tục đã có từ lâu đời trong tâm linh người Việt, những câu chuyện về sư xuất hiện của loài rắn luôn mang đậm màu sắc huyền bí. Dù có hay không những câu chuyện kỳ bí ấy thì chúng ta vẫn nên lưu giữ nét văn hóa tâm linh độc đáo đó để răn dạy con cháu về sau phải biết tôn kính nhưng di tích lịch sử, đền thờ miếu mạo mà không dám xâm phạm”.
“Ngoài ra, những câu chuyện như thế còn có mục đích hữu hiệu trong việc răn dạy con cháu, ví như khi một đứa trẻ con không nghe lời, người nhà có thể đưa câu chuyện về rắn thần xuất hiệnn ở những ngôi đền linh thiêng ra để răn thì cháu bé sẽ biết nghe lời và đi vào khuôn mẫu của chuẩn mực đạo đức xã hội hơn”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét